Phân tích thử nhé: bản chất toàn bộ cuộc sống này thực ra chỉ là chằng chịt những mối quan hệ giữa bạn với mọi thứ xung quanh. Mối quan hệ với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp… gọi chung là những mối quan hệ đồng loại. Quan hệ với mọi thứ ngoài đồng loại như động vật, cỏ cây, mây trời, sỏi đá… ta hay gọi tất thảy mớ hổ lốn này là thiên nhiên.
Dễ quá rồi, cho dù bạn đang ở hoàn cảnh nào đi nữa thì bản chất tận cùng của trải nghiệm chỉ đến từ chất lượng cảm xúc tạo ra từ các mối quan hệ này. Vậy chỉ cần nắm được tư duy gốc về cách đối xử với mọi mối quan hệ là cuộc sống trở nên êm ấp vững bền.
Vẫn là không giấu giếm, chìa khóa quan trọng nhất mình đã nói toẹt ra ngay từ câu mở đầu: “đừng đàn áp, hãy hợp tác”!
Nguyên lý đơn giản chỉ là cộng sinh cùng tận hưởng, còn đàn áp luôn tạo ra kết quả một chột một què. Khao khát tự do là bản năng mang tính sự sống của muôn loài ngàn đời không đổi, thế nên ở đâu có đàn áp ở đó có cách mạng.
Thứ bị đàn áp không cam chịu mãi, kẻ chọn đàn áp cũng không thể yên thân. Đàn áp con cái, chúng sẽ trở thành nô lệ phục tùng chờ thời phản kháng. Đàn áp đồng nghiệp, họ sẽ nhẫn nhục hiệu suất thấp, âm thầm phá hoại, hoặc đơn giản là chiến một trận tanh bành rồi bỏ việc. Đàn áp bạn, rồi bạn sẽ thành bè…
Cùng nguyên lý đó với mọi đối tượng khác ngoài đồng loại – động vật phản kháng, thực vật phản kháng, kể cả nguồn nước, không khí, đất đai cũng luôn có đủ cách để phản kháng lại tương xứng khi con người chọn cách đàn áp để đối xử với thiên nhiên.
Thế nên, kẻ sống khôn ngoan là người luôn tư duy hợp tác trong mọi mối quan hệ với cuộc đời. Hợp tác để cùng sống, hợp tác để cùng chơi một trò chơi mà không ai cần thua cả. Hoặc hợp tác nếu cùng cảm thấy công bằng, hoặc ngắt kết nối để tìm mối quan hệ khác phù hợp hơn. Có cho có nhận, có mượn có trả, có được cũng sẵn lòng mất chút để ai đó được nhiều hơn.
Vì có người nghe nên mình vẫn ở đây để nói, ta cùng ở đây vì chọn hợp tác chứ không đàn áp gì nhau.
(Nguồn: trithucgoc)